LÀM SAO ĐỂ TRẺ CHÀO HỎI TỰ NHIÊN VÀ DỄ DÀNG NHẤT?

Việc không chào hỏi người lớn tuổi thường được coi là “không lịch sự”, bị đánh giá là “cha mẹ không biết dạy con” hay “con bị ghét”. Điều này làm cho phụ huynh cảm thấy rất lo lắng và khó chịu. Hãy để RES giúp cha mẹ ở vấn đề này trong bài viết sau:
Để không rơi vào những hoàn cảnh như thế thì cha mẹ thường xuyên nhắc con hay mắng con một cách nặng nề vì không chào hỏi. Tuy nhiên điều này vô tình làm cho các con thu mình lại và ít chủ động chào hỏi hơn

Khi ra ngoài với bố mẹ thì các con thường được nhắc mỗi khi con quên:

Chào chú đi con!
Con chào cô chưa
Không chào bác là bác ghét đấy.

Các bạn nhỏ thường vô tư và hồn nhiên, nhưng các con cũng có hình thành những nỗi sợ vô hình. Có nhiều con chào người lạ rất dễ dàng, chào to, rõ ràng, và chủ động. Các con ở phía ngược lại thì thường ít bắt chuyện với người khác, nép vào người bố/mẹ khi gặp người lạ, không thích giao tiếp với người lạ, hoặc khi cần nói thì cũng lí nhí, nói rất ít, nhát gừng. 

Nguyên tắc chung là con cảm thấy sợ hãi và không dễ dàng giao tiếp với người lớn. Cũng có thể khi con lớn lên, con đã bị người lớn trêu chọc, và con không thích bị trêu, hoặc bị người lớn dọa nạt kiểu “ăn đi không chú công an bắt bây giờ”, hoặc sợ hãi khi thấy người lớn to tiếng, quát tháo. Phản ứng co mình lại, không nói gì, không chào… được giải mã như một phản ứng tự vệ: “không biết họ sẽ làm gì, cho nên tốt nhất mình không làm gì… cho lành”. 

Người lớn có thể không cảm nhận được những điều này nhưng lại là một điều rất ám ảnh đối với các bạn nhỏ. Chúng ta, các bậc cha mẹ, có bao giờ nhìn lại vào quá khứ của mình, và cười sằng sặc vào những điều ngớ ngẩn mà chúng ta đã từng tin, mà chúng ta đã từng lo lắng, đã từng sợ hãi chưa nhỉ?

Khi con ở trong trạng thái sợ hãi, và đề phòng, cha mẹ sẽ là nguồn động viên, tuyến phòng ngự cuối cùng của con. Chính vậy, nếu lúc này cha mẹ không “hiểu” và “chấp nhận” việc không chào như một khó khăn riêng biệt của con thì lúc đó con sẽ không còn biết bấu víu vào đâu. Có phụ huynh nói, “tôi chỉ nhắc con thôi mà.” Vâng, nhưng nhắc như thế nào mới quan trọng. Để người khác không biết khuyết điểm của con thì cha mẹ thường nhắc nhỏ các con. Nhắc mà lên giọng thì con sẽ không hiểu đấy là nhắc, mà hiểu đấy là mắng. Nhắc mà cau mày, thì con sẽ thấy đó là sự không chấp nhận. Nhắc mà sử dụng “bạo ngôn” kiểu như “không có mồm hả con?” sẽ gây nên những tổn thương trong con và càng làm con co mình lại hơn.

Nhu cầu kết nối giữa người với người luôn có. Trẻ em cũng có nhu cầu kết nối. Nếu để chúng một mình, chúng sẽ rất sợ hãi, và buồn chán. Lời chào thể hiện sự kết nối. Nếu trẻ không chủ động chào, thì đó là do chúng sợ hãi điều gì đó, chứ không có hàm ý “coi thường”, “bất lịch sự” như người lớn nghĩ đâu. Hãy giúp con vượt qua nỗi sợ hãi và trở nên tự tin hơn.

Nếu con bạn có lỡ không chào ai đó, hãy giúp con bằng cách:

1. Bố con cháu chào bác ạ!”, “Mẹ con cháu chào ông ạ!”: hãy làm hộ con việc đó, và để cho con không bị mất mặt với người ngoài, con sẽ “cộng điểm” cho bố mẹ. Rồi khi chỉ có bố/mẹ và con, hãy thủ thỉ với con: “Hình như con thấy không thoải mái khi chào bác, ông, chú ….”, “Lúc phải gặp người lạ ban nãy, con có thấy tay run, tim đập nhanh hơn không?”, “Bình thường mẹ thấy con rất vui vẻ chào hỏi anh/chị… nhưng hôm nay thì con cứ nép vào mẹ, chắc hẳn có điều gì khiến con làm như vậy?”

Hãy khơi gợi và để con có cơ hội nói ra tình trạng, cảm xúc, suy nghĩ của mình khi chỉ có bố/mẹ.

Với bất cứ điều gì con kể ra, hãy công nhận điều đó. Công nhận có nghĩa là cho con thấy rằng việc con có cảm xúc đó là hoàn toàn bình thường, mọi người đều có quyền tự do có cảm xúc cơ mà. Đừng dạy dỗ gì con lúc này, kiểu như “phải chào là mới lịch sự”, “con cứ nghĩ quá đó thôi”, “chú ấy hiền mà”, “bác ấy có làm gì con đâu”… Những lời la máng có thể giúp con hiểu vấn đề nhưng có thể gây ra những vấn đề về tâm lý khiến con thu mình lại và ít chia sẻ hơn với người xung quanh.
2. Khi con đã kể ra hết, hãy chia sẻ cảm xúc của bố mẹ: “mẹ thấy dễ chịu hơn sau khi biết được con nghĩ như vậy”, “nếu mà con không nói ra thì có khi chẳng bao giờ bố biết điều này ấy chứ”, “con thật dũng cảm vì đã dám nói ra điều làm con sợ hãi”, “ồ, con lại làm mẹ nhớ lại hồi nhỏ mẹ cũng thế”… Những chia sẻ như thế này sẽ là phần thưởng về tinh thần cho việc con đã kể ra cảm xúc, suy nghĩ của mình, con cảm thấy được chấp nhận, và sẽ thấy dễ chịu hơn.

3. Lên kế hoạch cho con vượt qua những nỗi sợ của mình:
“Lát nữa, bố con mình đi gặp bác X, con sẽ làm gì để cảm thấy thoải mái hơn khi gặp bác ấy nhỉ?”
“Con có cần mẹ giúp gì không để khi con gặp cô Y, con sẽ chào cô một cách đầy tự tin?”

Cũng có thể con chưa chào được ngay sau 1-2 lần đâu, nhưng việc chúng ta hỏi con trước sẽ làm con cảm thấy được quan tâm, được coi trọng, và điều đó sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn.

Dạy con là một “việc” dài hạn, cha mẹ cần phải đặt niềm tin vào con cái để có thể hướng dẫn con đi theo con đường con muốn muốn cách tốt nhất. Phụ huynh có thể rút ngắn khoảng cách với các con, tạo thêm niềm tin tưởng cho và sẻ chia với con nhiều hơn mỗi khi con gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *